Thay đổi đăng ký kinh doanh là việc làm thường gặp của tất cả các công ty, và thay đổi người đại diện là một trong những thay đổi mang tính chất phức tạp. Hồ sơ, thủ tục khi thay đổi đại diện pháp luật cho từng loại hình doanh nghiệp khác nhau do đó gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp tránh những băn khoăn và sai sót, nội dung bài viết sẽ cung cấp những thông tin cần thiết khi chuẩn bị hồ sơ, thủ tục thay đổi đại diện pháp luật.
Người đại diện pháp luật là gì ?
Để hiểu thế nào là người đại diện theo pháp luật của một cá nhân hay tổ chức, trước hết cần phải hiểu đại diện là gì ?
Theo qui định tại Bộ luật dân sự, đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
Không chỉ cá nhân, mà pháp nhân (công ty, tổ chức xã hội …) hoặc chủ thể khác đều có quyền và có thể xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự ( như mua bán hàng hóa, ký hợp đồng cho thuê nhà …) thông qua người đại diện của mình.
Tuy nhiên, cá nhân không được để người khác đại diện cho mình trong trường hợp mà pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. (Thông thường, đây là những giao dịch liên quan đến quyền nhân thân – vốn có đặc tính không thể chuyển giao cho người khác được. Ví dụ : một người chồng không thể ủy quyền cho một người khác đại diện để “làm chồng” đối với … người vợ của mình !).
Việc phát sinh quan hệ đại diện được xác lập theo hai hình thức : do pháp luật qui định hoặc theo sự uỷ quyền.
Ví dụ : Người đại diện của công ty là người mà công ty đăng ký với vị trí là “người đại diện theo pháp luật” – thể hiện trong Giấy đăng ký kinh doanh (thường là giám đốc) do Sở kế hoạch và đầu tư cấp. Đây là trường hợp đại diện mà pháp luật qui định.
Tiếp đó, nếu như vị giám đốc công ty này lại ủy quyền cho một nhân viên khác, chẳng hạn là anh A, đi dự họp tại cơ quan thuế – thì anh A sẽ trở thành người đại diện cho giám đốc công ty. Đây là trường hợp đại diện theo ủy quyền (do được ủy quyền mà có tư cách đại diện)
Như đã nói, “đại diện theo pháp luật” là sự đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Pháp luật qui định “người đại diện theo pháp luật” trong một số trường hợp như sau:
- Đối với con chưa thành niên (dưới 18 tuổi) – Cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật.
- Đối với người được giám hộ – Người giám hộ là người đại diện theo pháp luật.
- Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự – Người được Toà án chỉ định là người đại diện theo pháp luật.
- Đối với hộ gia đình – Chủ hộ là người đại diện theo pháp luật.
Hồ sơ thay đổi người đại diện pháp luật
1. Thông báo người thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty do Chủ tịch Hội đồng quản trị ký.
2. Quyết định của đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi người đại diện theo pháp do Chủ tịch Hội đồng quản trị ký.
3. Biên bản họp đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật có chữ ký của chủ tọa và thư ký cuộc họp hoặc có chữ ký của các cổ đông dự họp.
4. Giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo pháp luật mới của công ty:
- Quốc tịch Việt Nam: Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) còn hiệu lực;
- Quốc tịch nước ngoài: Bản sao hợp lệ hộ chiếu còn hiệu lực; Bản sao hợp lệ Giấy phép sử dụng lao động, thẻ tạm trú do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
(CMND có ngày cấp không quá thời hạn 15 năm, hộ chiếu phải còn hạn sử dụng và không bong, tróc, nhòe số)
5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
6. Xuất trình bản chính Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh hoặc bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
Lưu ý khi thay đổi người đại diện theo pháp luật
* Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải không thuộc một trong các trường hợp sau:
- Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.
* Trường hợp không được mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp: các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
* Sau khi thay đổi người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp cần lưu ý hoàn thiện các hồ sơ cũ cần đại diện pháp luật cũ ký hồ sơ, các thủ tục thông báo với cơ quan thuế, thay đổi bên ngân hàng. Lưu ý khi đổi đại diện pháp luật các thông báo, hồ sơ kể từ ngày được cấp phép thì đại diện pháp luật là người mới ký hồ sơ chứ không phải người cũ nữa.