Trong thời điểm nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận định rằng Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư hiệu quả và hấp dẫn.
Thực trạng chính sách thu hút FDI vào Việt Nam hiện nay
1. Các chính sách thu hút đầu tư đầy ưu đãi, hấp dẫn
- Đang trong quá trình chuyển mình sang nền kinh tế thị trường, bởi vậy mà môi trường đầu tư tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế như kết cấu hạ tầng lạc hậu, khung pháp lý còn chưa được tổ chức đồng bộ, lao động trình độ thấp vẫn chiếm tỉ lệ lớn,…
- Nhằm khuyến khích động viên nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực được Chính phủ định hướng, hiện nay Việt Nam đang thực hiện các chính sách thu hút đầu tư khá hấp dẫn. Cụ thể là miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, cho thuê đất với mức giá ưu đãi,…
- Mục đích chính khi triển khai những chính sách này là để thu hút nhiều hơn nguồn vốn FDI, nâng cấp công nghệ, giảm bớt áp lực việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đem lại sự công bằng, bình đẳng và góp phần giảm các vấn đề xã hội tiêu cực khác.
- Tuy vậy những chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam hiện nay được đánh giá dù đa dạng nhưng vẫn mang tính chất dàn trải, chưa có mục tiêu rõ ràng, dẫn đến việc mục tiêu của các chính sách bị chồng chéo.
2. Kết quả của các chính sách thu hút đầu tư
- Việc miễn thuế hoặc giảm thuế đã và đang góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư khi đến với Việt Nam, kết quả là số vốn FDI đầu tư vào nước ta liên tục tăng qua các năm. Cụ thể là số vốn FDI năm 2018 đã tăng 9,1% so với năm trước (FDI năm 2018 của nước ta đạt khoảng 19,1 tỷ USD với 29792 dự án cùng số vốn đăng ký lũy kế đạt gần 400 tỷ USD).
- Trong nền kinh tế Việt Nam 3 thập kỷ vừa qua có thể thấy tỉ trọng khu vực FDI ngày càng tăng và có vai trò đặc biệt quan trọng. Cụ thể 23,4% là tỉ trọng mà khu vực FDI chiếm trong tổng số vốn đầu tư của nước ta năm 2018 và vẫn đang có xu hướng ngày càng tăng.
- Việc tỉ trọng khu vực FDI tăng tạo động lực to lớn trong việc tăng trưởng kinh tế, bên cạnh đó còn tạo cơ hội việc làm cho người lao động nhiều hơn.
3. Hạn chế trong việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư
- Các lĩnh vực đang được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhằm thu hút đầu tư tại Việt Nam gồm: nông nghiệp, công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm và năng lượng tái tạo,… Tuy vậy, lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa thực sự được áp dụng triệt để và hiệu quả những chính sách trên. Tỷ trọng vốn FDI được đầu tư vào nông nghiệp năm 2017 chỉ chiểm khoảng 1,1% tổng số vốn đã đăng ký từ trước. Trong khi đó lĩnh vực chế biến, kinh doanh bất động sản lại thu hút đến 75% tổng số vốn FDI đăng ký.
- Việc thu hút đầu tư vào các địa phương kém phát triển dù nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi cao hơn nhưng thực tế lại chưa có hiệu quả cao như kỳ vọng.
- Các khu công nghiệp tại địa phương kém phát triển thu hút được ít vốn và có tỷ lệ bỏ trống khá cao. Trong khi các vùng kết cấu hạ tầng cao và ổn định vẫn chiếm tỷ trọng vốn FDI cao nhất ở Việt Nam.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài
- Những hạn chế, khó khăn tồn tại là thách thức cho Việt Nam trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách đầu tư nước ngoài.
- Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư, có thêm cách chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ trên cơ sở tự nguyện. Khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả,…
- Hoàn thiện và củng cố thể chế, chính sách ưu đãi để cạnh tranh quốc tế, đem lại điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi nhất nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
- Bên cạnh đó cần có thêm nhiều cơ chế ưu đãi và khuyến khích phù hợp trong các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư, tăng phát triển liên kết ngành đồng thời khuyến khích chuyển giao công nghệ để gia tăng giá trị và sức cạnh tranh nội địa trên trường quốc tế.
- Hoàn thiện và nâng cấp không ngừng hệ thống các quy định của pháp luật trong hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các chính sách đầu tư nước ngoài cần được cân đối giữa các vùng miền khác nhau theo định hướng và yêu cầu phát triển của nhà nước.
- Đa dạng hóa các mô hình hợp tác có hiệu quả như mô hình công – tư (PPP), mô hình mua lại và sáp nhập, đồng thời nâng cao các quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.